Mỗi một người đều mong muốn suốt cuộc đời của mình đều sẽ luôn thuận buồm xuôi gió, vật chất dư giả, gia đình hòa thuận, khỏe mạnh sống lâu… nhưng hầu như rất ít người được như ý. Rất nhiều người đều tự hỏi phải chăng vận số của mình không được tốt? Vận may trong cuộc đời con người rốt cuộc là đến từ đâu đây? Vận mệnh của con người ta có thể thay đổi được hay không?
Câu chuyện Gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng vượng hơn 800 năm
Danh thần thời Tống Phạm Trọng Yêm, xuất thân bần hàn, thời còn trẻ gia cảnh rất khó khăn. Ông quyết tâm sau này nếu có thể thành danh, nhất định sẽ cứu tế những người nghèo khổ. Sau này, thông qua nỗ lực không ngừng ông đã làm đến chức Tể tướng. Ông lấy bổng lộc của mình ra mua ruộng đất, rồi chia cho những người nghèo khổ không có ruộng đất canh tác. Ngoài ra, ông còn chu cấp lương thực, quần áo cho họ. Phàm là những nhà có hôn lễ hoặc tang sự, ông còn lấy tiền phụ cấp cho họ. Cứ như vậy, ông dùng thu nhập của một người đã nuôi sống hơn 300 hộ gia đình.
Có một lần, ông mua một ngôi nhà ở Tô Châu, một thầy phong thủy hết lời khen nhà này phong thủy cực tốt, con cháu đời sau nhất định sẽ làm quan lớn vinh hiển gia tộc. Phạm Trọng Yêm nghe xong, lại lập tức đem ngôi nhà này ra quyên góp, mở một trường học. Bởi ông cho rằng, để cho con cháu của người dân trong thành Tô Châu đều có thể thành tài, so với một nhà hưởng phúc một mình, chẳng phải tốt hơn sao?
Tục ngữ nói: “Giàu không quá ba đời“, nhưng gia tộc của Phạm Trọng Yêm lại hưng vượng đến hơn 800 năm! Bốn người con trai của ông đều tài đức vẹn toàn, đều làm quan lớn và Tể tướng. Con cháu đời sau của nhà họ Phạm mãi đến những năm đầu thời Dân Quốc đều không suy bại. Bí quyết của nó chính là nằm trong lời giáo huấn của tổ tiên “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” và “hành thiện tích đức” mà con cháu nhà họ Phạm đời đời không quên.
Nhà mà có tích đức ắt có phúc dư
Trong “Chu Dịch” có nói: “Nhà mà tích thiện ắt có phúc dư“, ý là nói những nhà hành thiện nhất định sẽ có chuyện tốt đang chờ. Có thể thấy rõ phúc vận của đời người là đến như thế nào? Phúc vận là thông qua xây đắp mà có được, chỉ có tích đức hành thiện mới có thể cải biến vận mệnh. Nếu chúng ta muốn xây đắp tương lai tốt đẹp cho bản thân và người nhà, thế thì hãy làm một người có thiện tâm biết nghĩ cho người khác.
Theo quan niệm xưa của ông bà ta, mỗi năm vào ngày tết ông Táo, ông Táo sẽ về trời, và ngày trừ tịch ông Táo sẽ từ trời về lại nhân gian, bởi vậy dân gian đều có tục lễ cúng ông Táo. Ông Táo lên trời là báo cáo lại thiện ác công tội của hộ gia đình này với Ngọc Đế. Nếu là hộ gia đình tích đức hành thiện, thiên thượng sẽ khiến gia đình này từ từ hưng vượng. Nếu là hộ gia đình làm chuyện xấu, thiên thượng sẽ khiến gia đình này dần dần suy bại.
Trong “Luận Ngữ” có một đoạn văn tự như vậy. Vương Tôn Giả hỏi Khổng Tử: “Thay vì cúng thần Áo, thì thà cúng ông Táo còn hơn“. Từ một câu này có thể nhìn ra được, vào thời Xuân Thu, dân gian đã có phong tục lấy lòng ông Táo. Nhưng với điều Vương Tôn Giả hỏi, Khổng Tử đã trả lời thẳng rằng: “Chẳng phải vậy. Kẻ mắc tội với Trời, dù có cầu khẩn vị Thần nào cũng chẳng được“. Nếu như là làm chuyện xấu, thì đã mắc tội với Trời, dù có cầu nguyện xin phúc cũng vô dụng.
Người hành thiện tương lai sẽ có phúc báo
Trong “Đạo Đức kinh”, Lão Tử có viết: “Đạo trời không thân, thường ở với người lành“. Thiên thượng vốn không có cái tâm thiên vị, chỉ che chở cho những người thật lòng hành thiện. Những người hành thiện, ắt sẽ được trời cao ban phúc chở che. Như câu “Được trời chở che, đâu đâu cũng thuận lợi tốt lành”.
Vậy nên Phật gia giảng thuyết nhân quả báo ứng. Người mà không hiểu nhân quả, trong tâm thường trống rỗng, cho rằng làm ác không mắc họa, làm thiện không được phúc báo. Bởi vậy, việc thiện thường không muốn làm, còn việc ác thì lại thừa mứa.
Người biết nhân quả báo ứng, nội tâm thường phong phú, có thể từng bước tự khắc chế bản thân hành ác và dốc lòng hành thiện. Những người tích thiện, tương lai đời sau sẽ được phúc báo, còn những người làm ác, tương lai sau này sẽ gặp phải tai ương.
Cổ nhân tin rằng người hành thiện thì hết thảy phúc đức sẽ đến với họ, hết thảy tai họa sẽ rời xa họ. Người lương thiện chứa lòng từ bi luôn, suy nghĩ vì người khác, phẩm chất cao thượng của họ khiến cho người người đều khâm phục. Cho nên, cổ nhân tin rằng người hành thiện thì hết thảy phúc đức sẽ đến với họ, hết thảy tai họa sẽ rời xa họ.
Người xưa thường nói: “tích đức tích đức”, “Có đức mặc sức mà ăn”, những lời này thật vô cùng chính xác. Vinh hoa phú quý không phải là tranh giành mà có được, mà là thông qua tích đức hành thiện mà có được. Con người có bao nhiêu đức, thì chính là có bấy nhiêu phúc, không đức thì chẳng được gì, mất đức sẽ mất hết. Thiên lý thiện ác hữu báo này đã ước chế con người từ ngàn đời nay.Ngoài ra, phúc đức của những người hành thiện và tai ương của những người hành ác, cũng sẽ ảnh hưởng đến con cháu đời sau của họ. Chính như câu “Những nhà tích thiện, ắt có phúc dư, những nhà hành ác, ắt có họa thừa” được nói đến trong “Chu Dịch” vậy.
Theo Soundofhope